Skip to Content
TỔNG QUAN
TIN TỨC - SỰ KIỆN

Visitor Tracking Visitor Tracking

User Online: 234
Access in week: 5276
Access in month: 19466
Access in year: 294486
Total visited: 3165708

CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - ĐÔ THỊ CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - ĐÔ THỊ

Dốc sức chuyển đổi số: Vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp
Publish date 01/08/2024 | 08:00  | Lượt xem: 118

Từ việc thay đổi nhận thức về vai trò của cải cách hành chính, xây dựng thành phố thông minh, cả hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội đã bắt tay đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số, với mục tiêu cao nhất là phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Chuyển đổi số là vấn đề sống còn của Thủ đô

Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 phê duyệt đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) của Chính phủ, đến nay Hà Nội đạt nhiều kết quả nổi bật, đặc biệt người dân được hưởng lợi như tiết kiệm chi phí, thời gian trong quá trình thực hiện các nhu cầu, yêu cầu dịch vụ của đời sống xã hội.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và Hà Nội xem xét giải pháp công nghệ chuyển đổi số được triển khai hiệu quả ở Hà Nội.

Cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Nghị quyết 18 ra đời đã thực sự tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động tại tất cả các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị của Thủ đô. Toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố đã vào cuộc, nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi số và đã triển khai các nhiệm vụ một cách đồng bộ, theo lộ trình.

Hà Nội ra mắt ứng dụng Công dân Thủ đô số iHaNoi với nhiều tiện ích phục vụ người dân và doanh nghiệp

“Chuyển đổi số là vấn đề sống còn của Thủ đô và cũng không cứ có tiền là làm được. Việc chuyển đổi số thành công hay không phụ thuộc vào nhận thức của người đứng đầu các Sở ngành, quận huyện”, đồng chí Trần Sỹ Thanh nói và tin rằng, với quyết tâm chính trị, TP Hà Nội chắc chắn sẽ có chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số, góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội Thủ đô.

Để hiện thực hóa Nghị quyết 18, tháng 9/2023, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch 239 về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch đã cụ thể hóa, xác định rõ nội dung công việc gắn với phân công nhiệm vụ cụ thể đối với cơ quan, đơn vị, địa phương của Hà Nội; đồng thời có các giải pháp triển khai khoa học, quyết liệt, hiệu quả.

Quận Long Biên là đơn vị luôn tích cực đi đầu trong triển khai áp dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện các nhiệm vụ gồm: quản lý văn bản tập trung; chữ ký số trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ công chức, viên chức khối Đảng đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền các cấp từ quận đến phường; số hóa các dữ liệu như hộ tịch tư pháp, quy hoạch đô thị, tài nguyên môi trường.

Người dân hưởng lợi

Phát biểu tại hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ "điểm nghẽn' trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 10/6, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết: Thành phố tăng cường hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế…

Thành phố đã cơ bản hoàn thành việc triển khai thí điểm hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội theo nhiệm vụ Chính phủ giao với 4/4 nội dung quan trọng. Thành phố đã hoàn thành việc xây dựng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử phục vụ công tác quản lý, khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố; kết nối chia sẻ dữ liệu về khám chữa bệnh của người dân thành phố cùng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố với 651 cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn; tạo dữ liệu của hơn 9,2 triệu người dân với hơn 16,2 triệu lượt khám trên phần mềm hồ sơ sức khỏe thành phố từ các nguồn dữ liệu; đồng bộ được 3,5 triệu hồ sơ người dân với 48/48 trường thông tin theo Quyết định của Bộ Y tế.

Thành phố đã đưa vào vận hành hệ thống thẻ vé điện tử trên xe buýt; triển khai thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại 57 điểm trông giữ xe trên địa bàn thành phố, kết quả có 79,9% lượt giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt. Việc thanh toán không dùng tiền mặt công khai, minh bạch, áp dụng công nghệ an toàn, thuận tiện đã nhận được sự hài lòng, ủng hộ của người dân.

Để khuyến khích, động viên, thu hút người dân trên địa bàn Hà Nội sử dụng ứng dụng VNeID trong giải quyết thủ tục hành chính, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết hỗ trợ 100% phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho người dân trên địa bàn thành phố có tài khoản định danh mức độ 2 và có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID.

Trong vòng hơn 1 tháng triển khai thực hiện, đã có 8.000 lượt công dân thực hiện yêu cầu cấp lý lịch tư pháp qua VNeID, đã có 78,6% số yêu cầu cấp phiếu được thực hiện qua VNeID. Việc cấp lý lịch tư pháp trên VNeID là tiền đề cho việc chuyển đổi và sử dụng tài khoản VNeID mức độ 2 là tài khoản duy nhất trong thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến bắt đầu áp dụng từ 1/7/2024.

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ trong triển khai Đề án 06, đặc biệt là tháo gỡ các “điểm nghẽn”; đẩy mạnh hỗ trợ để kinh tế số phát triển; tăng cường quản lý nhà nước đối với thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế…

Thành phố cũng chủ động trong tổ chức thực hiện, tham mưu báo cáo, đề xuất kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, tiêu chuẩn định mức, về dữ liệu và chia sẻ dữ liệu, tạo hành lang pháp lý đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số.

Trước thông tin, Hà Nội sắp công bố vận hành các ứng dụng nền tảng của Đề án 06 Chính phủ trên địa bàn, chị Nguyễn Diệu Hoa (Phường Văn Quán, quận Hà Đông) bày tỏ vui mừng cho biết: "Thời gian qua, Hà Nội đã có rất nhiều mô hình chuyển đổi số mà người dân được hưởng lợi, trong đó có cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID. Sặp tới, thành phố ra mắt nền tảng Công dân Thủ đô số nữa, đây là bước đột phá, đi đầu của Hà Nội. Tôi mong muốn, qua nền tảng này, người dân có thể phản ánh được những vấn đề nóng, bức xúc tới chính quyền, từ việc lấn chiếm đường đi, vi phạm giao thông. Từ đó, chính quyền tiếp nhận, gaiir quyết cũng nhanh, hiệu quả hơn".