Skip to Content
TỔNG QUAN
TIN TỨC - SỰ KIỆN

Visitor Tracking Visitor Tracking

User Online: 1972
Access in week: 3359
Access in month: 3359
Access in year: 307418
Total visited: 3178640

VĂN HÓA - XÃ HỘI VĂN HÓA - XÃ HỘI

Sau 70 năm Giải phóng Thủ đô: Hà Nội đạt những bước phát triển mạnh mẽ
Publish date 18/09/2024 | 14:00  | Lượt xem: 190

Ngày 10/10/1954, hàng vạn người dân Hà Nội vỡ òa trong niềm vui đón đoàn quân chiến thắng trở về, giải phóng Thủ đô.

Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu sự kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, hy sinh nhưng oanh liệt, vẻ vang của Nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

Mốc son rực rỡ

Theo các tư liệu lịch sử, kể từ “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến nay, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua và chứng kiến biết bao sự biến thiên của lịch sử. Quân và dân Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước, bền bỉ lao động, kiên cường đấu tranh, sáng tạo nên một nền văn hiến rạng rỡ.

Trong lịch sử hào hùng, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua hơn 10 cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và kết thúc trong khúc khải hoàn. Trong đó, Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là một trong những mốc son rực rỡ. Không chỉ là mốc son đánh dấu sự thắng lợi của một dân tộc nhỏ bé trước một thế lực thực dân xâm lược hàng đầu thế giới, mà còn mở ra thời kỳ mới của thời đại Hồ Chí Minh trong tiến trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội.

Sáng 10/10/1954, các cánh quân của Đại đoàn 308 từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của 200.000 người dân Hà Nội. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Sáng 10/10/1954, các cánh quân của Đại đoàn 308 từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của 200.000 người dân Hà Nội. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Theo tài liệu còn ghi lại, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, quân Pháp buộc phải rút khỏi Hà Nội, các đoàn quân từ Chiến khu Việt Bắc và các chiến trường đồng bằng Bắc bộ tiến về tiếp quản Thủ đô. Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính TP và các đơn vị quân đội gồm có bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội.

Vào lúc 15 giờ cùng ngày, sau một hồi còi dài tại Nhà Hát Lớn, hàng trăm nghìn người dân Hà Nội và các lực lượng vũ trang đã chỉnh tề tham dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân Ngày Giải phóng.

Công cuộc tiếp quản Thủ đô thành công tốt đẹp. Ta đã tiếp thu an toàn và nhanh gọn 129 công sở, công trình công cộng, xí nghiệp, bệnh viện, trường học, trong đó có các vị trí quân sự và các cơ quan đầu não quan trọng. Sinh hoạt của Nhân dân vẫn giữ được bình thường, ổn định. Các ngành điện, nước, giao thông liên lạc hoạt động đều, thông suốt, an ninh chính trị, trật tự xã hội được bảo đảm tốt; trường học, bệnh viện, các cơ quan văn hóa, báo chí… tiếp tục hoạt động bình thường dưới sự quản lý của chính quyền.

Ngày Giải phóng Thủ đô là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng, khẳng định thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đồng thời mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Hà Nội luôn duy trì đà tăng trưởng

Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo Nhân dân nhanh chóng ổn định tình hình, bắt tay vào khôi phục và cải tạo TP. Chỉ một năm sau, Hà Nội đã hoàn thành cải cách ruộng đất, một nhiệm vụ chiến lược cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ.

Cầu Nhật Tân kết nối trung tâm Thủ đô với các huyện phía Bắc và sân bay Nội Bài. (Ảnh: Phạm Hùng)

Cầu Nhật Tân kết nối trung tâm Thủ đô với các huyện phía Bắc và sân bay Nội Bài. (Ảnh: Phạm Hùng)

Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, hàng chục vạn người con Thủ đô lên đường tòng quân chiến đấu khắp các chiến trường. Nơi hậu phương, Hà Nội trở thành một trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện cho tiền tuyến với phương châm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Tự hào hơn nữa, Hà Nội đã cùng các địa phương, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” vào tháng 12/1972, buộc đế quôc Mỹ phải quay lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (ngày 27/1/1973). Đây là tiền đề quan trọng để cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thu non sông về một mối.

Đất nước thống nhất, Hà Nội là một công trường lớn, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân. Đặc biệt, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tiễn của địa phương, quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, từ ngày 1/8/2008, Thủ đô Hà Nội chính thức được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính. Việc mở rộng địa giới hành chính là thay đổi quan trọng, mang tầm vóc mới, cơ hội mới và diện mạo mới cho Thủ đô. 16 năm qua, Thủ đô Hà Nội tiếp tục gương mẫu đi đầu trên mọi “mặt trận,” đạt được những thành tựu nổi bật, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của cả nước.

Thủ đô Hà Nội đã có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế, xã hội, đô thị. Ảnh: Phạm Hùng

Thủ đô Hà Nội đã có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế, xã hội, đô thị. Ảnh: Phạm Hùng

Trong nhiều năm qua, Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng khá và đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 6,0% (cùng kỳ tăng 5,97%); tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện đạt 61,7% dự toán (tăng 12,5% so với cùng kỳ); kim ngạch xuất khẩu tăng 8,8% (cùng kỳ giảm 2,7%); vốn đầu tư phát triển xã hội tăng 9,55% (cùng kỳ tăng 9,0%). Việc xây dựng NTM đạt nhiều kết quả. Đến nay, Hà Nội có 18/18 huyện, thị xã (100%) đạt chuẩn NTM; 382/382 xã đạt chuẩn NTM, 186 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 68 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đồng thời tập trung phát triển cả kinh tế và văn hóa, xã hội, trong đó, đã có một chuyên đề về phát triển văn hóa. Hà Nội đã đầu tư, bảo tồn, tôn tạo trên 5.000 di tích lịch sử. Lĩnh vực giáo dục đứng đầu cả nước. Trong đầu tư hạ tầng kết nối vùng Thủ đô, Hà Nội đã triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và các đường song hành để tăng tính kết nối với các tỉnh, TP.

Đặc biệt, ngày 28/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), có hiệu lực từ 1/1/2025 và cho ý kiến với 2 quy hoạch lớn: quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Hai quy hoạch này sẽ giúp định hình về không gian, quản lý đô thị, đầu tư, phát triển đô thị TP Hà Nội trong tương lai…

Đồng thời với đó, cùng với quá trình đô thị hóa, Hà Nội đã có bước chuyển mình mạnh mẽ khi đẩy mạnh đầu tư phát triển đô thị, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội tham gia. Nhiều dự án khu đô thị mới được xây dựng đồng bộ, văn minh, hiện đại đem lại không gian phát triển đô thị mở rộng và hiện đại hơn.

Hà Nội cũng đang tập trung đầu tư, hoàn thành các điều kiện để xây dựng các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng thành quận. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ để dần xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh trong tương lai gần. Về định hướng phát triển đô thị những năm tiếp theo, TP Hà Nội sẽ tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (điều chỉnh) đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 sau khi được phê duyệt.

Có thể thấy, với các giải pháp cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm đã được TP  Hà Nội xác định, cùng sự đồng lòng đoàn kết của cả hệ thống chính trị và người dân, Thủ đô sẽ có sức bật mới, tạo tiền đề quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị, phát triển kinh tế, xã hội trong những năm tới. Qua đó, góp phần xây dựng Hà Nội văn minh, giàu đẹp và xứng tầm là Thủ đô - trái tim của cả nước.